Sĩ tử cần lưu ý điều gì khi làm các bài thi tổ hợp?

Ngoài việc chuẩn bị thật vững chắc về mặt kiến thức thì sĩ tử cũng cần hết sức lưu ý trang bị đầy đủ các kĩ năng thực chiến trước khi bước vào kì thi tốt nghiệp THPT đầy cam go. Kết quả của kì thi tốt nghiệp này sẽ quyết định tấm vé bước vào cánh cổng mơ ước, mở ra những chặng hành trình mới sau ba năm học cấp ba.

Để tránh việc căng thẳng, mất tập trung và dẫn đến những trường hợp không may như hiểu sai đề bài, chọn nhầm đáp án hay chưa hoàn thiện bài, thí sinh cần “bỏ túi” những “bí kíp phòng thi”, tỉnh táo và hoàn toàn chủ động trước mọi tình huống có thể xảy đến, sẵn sàng để chinh phục và vượt lên chính bản thân mình trước những áp lực mà kì thi tạo nên. 

Kì thi tốt nghiệp THPT đang đến gần, bên cạnh ba môn là Toán, Ngữ Văn và tiếng Anh, học sinh cũng cần xây dựng những chiến lược, những “bí kíp” trước khi bước vào phòng thi cho các môn thi tổ hợp tự nhiên và xã hội để có thể chủ động và chinh phục được điểm số tốt nhất. Mỗi tổ hợp môn xã hội hay tự nhiên sẽ có những đặc thù riêng về dạng câu hỏi trắc nghiệm cũng như các mẹo để có thể nhanh chóng tìm được câu trả lời chính xác nhất. 

Tổ hợp môn Xã hội: nói KHÔNG với “học vẹt”

Với bất cứ một môn thi nào thì yêu cầu tiên quyết và tối thiểu khi bạn cầm đề thi trên tay đó là cần phải đọc kĩ yêu cầu đề và xác định các từ khóa quan trọng. Việc nắm chắc từ khóa đề bài giúp chúng ta định hướng được rằng câu hỏi liên quan đến vấn đề gì và đáp án sẽ gắn liền với từ chìa khóa ấy. Đó được xem là cách để bạn giải quyết câu hỏi một cách nhanh nhất và tránh bị lạc đề hay nhầm dữ liệu đáp án.

Từ bài thi tham khảo do Bộ GD&ĐT công bố năm nay, cấu trúc đề thi chính thức môn Địa lý sẽ bao gồm: 60% câu hỏi ở mức độ nhận biết và 40% câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Xác định rõ từ đầu mức độ nhận thức của câu hỏi sẽ giúp các sĩ tử có sự chủ động hơn trong việc đầu tư quỹ thời gian làm bài cũng như mức độ tập trung ở những khoảng thời gian phù hợp trong suốt quá trình làm bài. Câu hỏi trong đề thi Địa lí cũng chia theo tỉ lệ vận dụng kiến thức giữa lớp 11 và lớp 12: Tỉ lệ lớp 12 là 38 câu (trong đó HKI gồm phần Địa lí dân cư và Địa lí tự nhiên. HKII gồm Địa lí vùng kinh tế và địa lí ngành kinh tế), trong khi đó tỉ lệ lớp 11 chỉ chiếm số lượng là 2 câu (đều thuộc HKII phần Khu vực Đông Nam Á).

môn Lịch Sử, có 5 dạng câu hỏi thường gặp nhất. Những câu hỏi trực tiếp như yêu cầu thí sinh tìm câu trả lời đúng thì rất dễ nhận biết. Tuy nhiên trong đề thi sẽ có những câu bắt thí sinh lựa chọn câu trả lời “không đúng” hoặc câu trả lời “đúng nhất”. Thí sinh cần đọc kỹ, xác định từ khóa trong câu hỏi để không bị nhầm lẫn.

Ví dụ với câu hỏi sau, nếu bạn không đọc kỹ đề có từ "không phải" thì sẽ rất dễ chọn sai đáp án. Với câu này, đáp án đúng là A. 

“Nội dung nào không phải là ý nghĩa của phong trào cách mạng 1930 - 1931 ở Việt Nam?

A. Đưa quần chúng nhân dân bước vào thời kỳ trực tiếp vận động cứu nước.

B. Khẳng định đường lối lãnh đạo của Đảng và quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân.

C. Hình thành khối liên minh công nông, công nhân và nông dân đoàn kết đấu tranh.

D. Là cuộc diễn tập đầu tiên của Đảng và quần chúng cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám (1945).

Với môn thi GDCD, giai đoạn này là giai đoạn thí sinh cần có sự tổng hợp, xâu chuỗi hệ thống kiến thức để tránh hiện tượng nhầm lẫn các phạm vi kiến thức gần gũi nhau. Cô Hải Quỳnh - giáo viên bộ môn GDCD trường THPT Hoàng Long chia sẻ kinh nghiệm ôn tập những ngày cận thi: “Học sinh cần khái quát hệ thống kiến thức nền trong sách giáo khoa theo từng chủ đề, chú trọng vào những nội dung bài học gắn với thực tiễn đời sống, những vấn đề liên quan đến quyền lợi cũng như nghĩa vụ công dân…”. 

Khi chưa xác định được một đáp án đúng thì phương pháp loại trừ cũng là một cách hữu hiệu để tìm ra câu trả lời đúng. Mỗi câu hỏi thường có 4 đáp án, các đáp án cũng thường không khác nhau nhiều lắm về mặt nội dung. Tuy nhiên vẫn có cơ sở để bạn dùng phương án loại trừ bằng "mẹo". Thay vì đi tìm đáp án đúng, bạn hãy thử tìm phương án sai, đó cũng là một cách hay và loại trừ càng nhiều phương án hay càng tốt.

Tổ hợp môn Tự nhiên: chìa khóa để bứt phá

Đề thi trắc nghiệm các môn Tự nhiên gồm có 40 câu, chia theo các mức độ từ nhận biết - thông hiểu đến vận dụng và vận dụng cao. Thí sinh nên đọc kĩ một lượt tất cả các câu trong đề bài trước và tập trung hoàn thiện các câu nhận biết để đảm bảo mức điểm số an toàn. Do có sự phân hóa về mức độ câu hỏi cũng như tính chính xác về mặt logic khoa học và  tính toán nên thí sinh cần cẩn trọng hơn trong quá trình làm bài, tập trung cao độ và phân bổ thời gian thật hợp lí. 

Theo đó, ở môn Sinh học, kiến thức 30 câu đầu thường ở mức nhận biết - thông hiểu nên các em cần làm nhanh, gạch chân được từ khóa của câu hỏi, chú ý các câu hỏi chọn câu đúng/không đúng để tránh hiểu sai đề bài. Ở 10 câu cuối, khi tính toán bị sai sót hoặc không nghĩ ra hướng của câu nào thì không nên hoảng loạn mà bỏ qua và làm câu tiếp theo. Sau khi làm hết đề thì quay lại câu không làm được và tiếp tục giải, nếu không giải được thì thử đáp án lên nếu có thể.

Sau khi làm xong thì nên kiểm tra lại 2-3 lần (nếu có thời gian), thí sinh nên ấn lại máy tính và kiểm tra xem đã tô đúng đáp án chưa. Một lưu ý cũng vô cùng quan trọng là làm xong câu nào nên tô đáp án luôn câu đó, tránh làm xong mới tô có thể bị lệch đáp án và sai đáp án cả đề.

Riêng với môn Vật lí, thí sinh cần đọc đi đọc lại thật nhiều lần câu hỏi vì chỉ một sự thay đổi nhỏ trong cách đặt câu hỏi, cách dùng từ cũng có thể dẫn đến sự thay đổi về nội dung câu hỏi và trọng tâm vấn đề. Một “bí kíp” nữa là các em nên tận dụng việc nháp thẳng vào đề thi để nhanh chóng ghi lại những đại lượng đề bài đưa  ra, có thể đổi ngay đại lượng và ghi công thức của câu đó, hạn chế tối đa sự nhầm lẫn nếu ghi xuống tờ nháp riêng. 

Với môn Hóa học, học sinh nên lựa chọn làm các câu lí thuyết trước và làm các câu tính toán sau. Ở môn thi này, sĩ tử cần lưu ý để tránh những lỗi sai hay gặp phải như quên cân bằng phương trình phản ứng, nhầm nguyên tử khối các chất, nhầm danh pháp của các chất…Với các câu thuộc phần tính toán khó và chưa thể có câu trả lời ngay, bạn nên viết ra giấy nháp tại một khu vực riêng để đến giai đoạn cuối cùng của thời gian có thể nhanh chóng tính toán và đưa ra lựa chọn đáp án phù hợp. Lưu ý thí sinh nên dành 5 phút cuối giờ thi để kiểm tra lại thông tin về số báo danh, các đáp án đã khoanh (tránh khoanh nhầm đáp án).

Mong rằng với những “chiến lược nhỏ” trên có thể giúp học sinh có tư thế chủ động, sẵn sàng và tự tin hơn để bước vào chinh phục kì thi sắp tới. Những kiến thức tích lũy suốt ba năm học cộng với việc rèn luyện các kĩ năng làm bài sẽ tạo bàn đạp đưa các em tiến xa hơn trên hành trình chinh phục tri thức!