THPT Hoàng Long - Dạy và học ngoại ngữ hiệu quả thông qua tiết NCBH môn tiếng Nhật

Luôn tiên phong đi đầu trong đổi mới dạy và học theo chương trình GDPT 2018, trường THPT Hoàng Long rất chú trọng đào tạo học sinh với mục tiêu phát triển toàn diện cả về năng lực phẩm chất và nhân cách. Bên cạnh những giờ học lí thuyết trên lớp là những tiết học trải nghiệm sáng tạo, những chuyến “field trip” ngoài nhà trường để giúp học sinh thêm hứng khởi, yêu thích và vận dụng các môn học vào trong cuộc sống. Các tiết nghiên cứu bài học là một nét đặc trưng của ngôi trường với định hướng chuyên ngoại ngữ như THPT Hoàng Long. 

Chiều ngày 28/3/2024, bộ môn tiếng Nhật của tổ Ngoại ngữ trường THPT Hoàng Long đã tổ chức bài học nghiên cứu theo giáo trình Marugoto tại thư viện nhà trường và các em học sinh lớp Nhật 105. 

 Chúng ta hãy cùng ghé thăm tiết nghiên cứu bài học của tổ tiếng Nhật mang tên “Trong phòng có cái gì?” nhé!

 LỚP HỌC ĐẢO NGƯỢC

Lớp học đảo ngược là mô hình học tập ngược lại với mô hình học tập truyền thống. Trong mô hình này, học sinh sẽ chuẩn bị bài trước khi lên lớp thông qua các video quay sẵn, tài liệu hỗ trợ, chuẩn bị câu hỏi, chủ đề thảo luận. Sau đó, khi lên lớp, học sinh  đặt các câu hỏi để giáo viên giải đáp; cùng làm bài tập và thảo luận nhóm… để hiểu sâu và mở rộng kiến thức.

Thầy Dũng đã yêu cầu học sinh tìm hiểu trước ở nhà những từ vựng miêu tả đồ vật, đồ dùng trong một căn phòng học tại trường. Sau đó đến lớp, các nhóm học sinh sẽ tiến hành gắn những bảng tên đồ vật bằng tiếng Nhật lên bức ảnh của một số căn phòng mà giáo viên cung cấp. Sau khi thu được sản phẩm là những bức tranh đã được gắn tên đồ vật, các nhóm nhận xét lẫn nhau và đánh giá đồng đẳng nhóm 3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, qua đó cho thấy các em học sinh đã rất nghiêm túc và chủ động trong quá trình thực hiện yêu cầu được giao. 

TỔ CHỨC TRÒ CHƠI

Phương pháp tổ chức trò chơi là phương pháp giáo viên thông qua việc tổ chức các trò chơi liên quan đến nội dung bài học, có tác dụng phát huy tính tích cực trong tiếp thu kiến thức, tạo hứng thú học tập cho học sinh. Qua trò chơi, học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, đồng thời qua trò chơi phát triển sự tự giác, tự chủ trong học tập. Thầy Dũng đã ứng dụng rất hiệu quả những ưu điểm mà phương pháp này mang lại trong tiết nghiên cứu bài học. Thông qua trò chơi “Gắn tên cho đồ vật trong ảnh; Đoán đồ vật” đã thu hút sự chú ý và tạo được sự hứng thú cho các bạn học sinh trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập, khiến cho bầu không khí lớp học trở nên sôi nổi, tươi vui hơn.


LÀM VIỆC NHÓM VỚI PHƯƠNG PHÁP THUYẾT TRÌNH 

Trong hoạt động vận dụng, thầy Dũng đã đưa ra một đoạn hội thoại mẫu với nội dung nêu tên và số lượng của những đồ vật có trong phòng Sau đó các nhóm đôi sẽ sử dụng lại bức tranh đã điền tên các đồ vật trong phòng để cùng nhau hỏi đáp, hội thoại về những vật dụng ấy.

Thầy Dũng sẽ chọn một vài cặp đôi bất kì trình bày. Đa số các bạn đều rất tự tin và thực hiện đoạn hội thoại trôi chảy, nắm chắc được ngữ pháp. Không những vậy, cả lớp phía dưới cũng rất chăm chú lắng nghe, tương tác với nhóm thuyết trình và còn đưa ra những nhận xét, đánh giá và chấm điểm theo tiêu chí trong phiếu. 

SỬ DỤNG BẢNG TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ VÀ ĐÁNH GIÁ ĐỒNG ĐẲNG GIỮA CÁC NHÓM 

Trong khi trình bày sản phẩm nhóm, các bạn học sinh còn thực hiện song song một thao tác nữa đó là đánh giá nhóm thuyết trình thông qua bảng tiêu chí đánh giá đã được thầy Dũng chuẩn bị. Trong bảng đánh giá sẽ có những tiêu chí cụ thể và thang đo mức điểm cho từng phần như nội dung, hình thức, cách thuyết trình, … Với cách đánh giá này sẽ giúp các bạn học sinh theo dõi hoạt động được sát sao hơn, nắm rõ nội dung bài cũng như nhận xét, góp ý cho nhóm bạn và cho chính bản thân mình. 

Tiết nghiên cứu bài học của thầy Mạnh Dũng và lớp Nhật 105 đã diễn ra thành công tốt đẹp trong sự tích cực và hào hứng tham gia của các bạn học sinh. Đặc biệt còn có sự hiện diện và dự giờ của Chuyên gia Tsuchiya và trợ lý Đào Ngọc Dương trong Ban khóa học tiếng Nhật thuộc Trung tâm giao lưu văn hoá Nhật Bản. Từ đó tiết nghiên cứu bài học của thầy và trò lớp Nhật 105 đã được  lắng nghe những góp ý, nhận xét vô cùng chi tiết và bổ ích. Mong rằng các thầy cô trường THPT Hoàng Long sẽ luôn không ngừng sáng tạo và ứng dụng những phương pháp dạy học hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường!

Trường THPT Hoàng Long