Nhằm tạo cơ hội cho giáo viên có cơ hội được học hỏi thông qua hoạt động cùng nhau xây dựng kế hoạch bài học, cùng nhau dự giờ, phân tích bài học, qua đó giúp giáo viên phát triển năng lực chuyên môn, kĩ năng giảng dạy, phát triển khả năng sáng tạo, …Tạo cơ hội cho tất cả giáo viên nâng cao nghiệp vụ sư phạm và phát huy khả năng ứng dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực của chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, bên cạnh đó còn giúp học sinh phát triển toàn diện cả về năng lực - phẩm chất – nhân cách. Chính vì vậy sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là một bước quan trọng để nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học mà trường THPT Hoàng Long Hanoi Tokyo luôn đặc biệt quan tâm.
Vào sáng ngày 10/4 và 11/4, cô Hoàng Thị Ánh Tuyết và thầy Nguyễn Đình Trung cùng các em học sinh lớp 10A1 đã tổ chức và thực hiện thành công tiết Nghiên cứu bài học môn Toán học và môn Vật lý qua hai tiết học “Phương trình đường tròn” và “Động lượng”.
LỚP HỌC ĐẢO NGƯỢC
Phương pháp lớp học đảo ngược được coi là một trong những phương pháp giúp học sinh phát huy tối đa năng lực tự học, sáng tạo của mình. Cô Ánh Tuyết và thầy Đình Trung đều đã ứng dụng hiệu quả phương pháp này. Cô Tuyết đã chia lớp 10A1 thành 4 nhóm để tìm hiểu ở nhà những kiến thức về vecto, khoảng cách hai điểm, đường tròn. Các nhóm đã đăng tải sản phẩm của mình lên Padlet cũng như nhận xét chéo nhau trước tiết học. Các nhóm đều đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, qua đó cho thấy các em học sinh đã rất nghiêm túc và chủ động trong quá trình thực hiện yêu cầu được giao.
Với môn vật lý, Thầy Đình Trung đã yêu cầu lớp 10A1 đọc SGK ở nhà để chủ động tìm hiểu kiến thức trước khi đến lớp. Bên cạnh đó là nhiệm vụ chế tạo mô hình thí nghiệm đơn giản trong bài và quay lại video tiến hành thí nghiệm trình bày rõ những tiêu chí sau: Mục đích làm thí nghiệm, Giới thiệu các dụng cụ, Cách tiến hành và thực hiện làm thí nghiệm, Kết quả thí nghiệm.
LÀM VIỆC NHÓM HIỆU QUẢ VỚI KĨ THUẬT “MẢNH GHÉP”
Trong hoạt động hình thành kiến thức tìm hiểu về động lượng, thầy Trung đã sử dụng phương pháp làm việc nhóm theo kĩ thuật “Mảnh ghép”, chia lớp thành 4 nhóm, mỗi học sinh được đánh số từ 1 đến 6. Các bạn được đánh số từ 1 đến 3 sẽ di chuyển và các bạn được đánh số từ 4 đến 6 sẽ ở lại. Trong lượt làm việc số 1, các bạn học sinh nhóm 1 hướng dẫn học sinh nhóm 3, học sinh nhóm 2 hướng dẫn học sinh nhóm 4 giới thiệu thí nghiệm, thực hành thí nghiệm và hoàn thiện phiếu học (về thí nghiệm 1). Tương tự trong lượt hoạt động lần 2, các bạn học sinh nhóm 3 hướng dẫn học sinh nhóm 1, học sinh nhóm 4 hướng dẫn học sinh nhóm 2: giới thiệu thí nghiệm, thực hành thí nghiệm và hoàn thiện phiếu học tập (về thí nghiệm 2).
Sau thời gian thực hiện nhiệm vụ thầy Trung sẽ mời đại diện nhóm 4 sẽ báo cáo kết quả thu được sau khi đã học được từ nhóm 2, nhóm 1 sẽ báo cáo kết quả thu được sau khi học được từ nhóm 3. Các nhóm đã trình bày vô cùng tự tin về mục đích thí nghiệm cùng hướng dẫn ngắn gọn, xúc tích, dễ hiểu. Không những vậy, cả lớp phía dưới chăm chú lắng nghe và tương tác với nhóm thuyết trình. Không khí của hoạt động làm việc nhóm đã diễn ra rất sôi nổi và hiệu quả.
Trong tiết học “Phương trình đường tròn” môn Toán, cô Tuyết đã phát phiếu học tập cá nhân số 1 cho từng học sinh, các bạn dành thời gian hoàn thành phiếu học tập cá nhân rồi sau đó cùng hoàn thiện phiếu nhóm. Hai nhóm thực hiện nhiệm vụ nhanh nhất sẽ được cộng điểm và lựa chọn một nhóm trình bày. Các nhóm khác sẽ theo dõi và đưa ra nhận xét, đánh giá đồng đẳng. Hoạt động nhóm theo kĩ thuật “Mảnh ghép” còn được cô Tuyết áp dụng hiệu quả trong phần luyện tập giúp học sinh củng cố lại kiến thức chắc chắn hơn.
SỬ DỤNG BẢNG TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ VÀ ĐÁNH GIÁ ĐỒNG ĐẲNG GIỮA CÁC NHÓM
Trong hai tiết NCBH môn Toán của cô Tuyết và môn Lý của thầy Trung, các bạn học sinh còn thực hiện một thao tác nữa đó là đánh giá nhóm thuyết trình thông qua bảng tiêu chí đánh giá đã được hai thầy cô chuẩn bị rất kĩ lưỡng. Trong bảng đánh giá sẽ có những tiêu chí cụ thể và thang đo mức điểm cho từng phần như nội dung, hình thức, cách thuyết trình, mức độ tham gia, kết quả làm việc … Với cách đánh giá này sẽ giúp các bạn học sinh theo dõi hoạt động được sát sao hơn, nắm rõ nội dung bài cũng như nhận xét, góp ý cho nhóm bạn và cho chính bản thân mình.
Qua các tiết nghiên cứu bài học đã giúp học sinh hứng thú trong học tập các bộ môn khoa học tự nhiên, các em chủ động và tích cực hơn trong việc xây dựng kiến thức cho mình, từ đó nâng cao chất lượng học tập và say mê môn học hơn. Đồng thời đây cũng là một hoạt động tạo mối quan hệ đồng nghiệp thân thiện giúp các thầy cô cộng tác và trao đổi chuyên môn để học hỏi lẫn nhau, có dịp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình dạy học và có cơ hội hỗ trợ lẫn nhau về kĩ thuật dạy học; cách tổ chức, quản lý lớp học.
Hai tiết nghiên cứu bài học của cô Tuyết, thầy Trung và tập thể lớp 10A1 đã diễn ra thành công tốt đẹp trong sự tích cực và hào hứng tham gia của các bạn học sinh. Mong rằng các thầy cô trường THPT Hoàng Long sẽ luôn không ngừng sáng tạo và ứng dụng những phương pháp dạy học hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường!
Trường THPT Hoàng Long