Ngày nay, giáo dục được xem là chìa khóa vàng để mỗi người, mỗi quốc gia tiến bước vào tương lai. Giáo dục có chức năng vô cùng quan trọng là trang bị cho mỗi người phương pháp học tập, phát triển tư duy nội tại, thích ứng được với một xã hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Để giúp người học đáp ứng được những yêu cầu đó, việc cải cách, đổi mới giáo dục là một việc làm hết sức cần thiết và cấp bách, trong đó, đổi mới phương pháp giáo dục là khâu then chốt nhất trong quá trình đạt đến mục tiêu đổi mới giáo dục.
Nắm bắt được xu thế trong đổi mới phương pháp giáo dục hiện nay, trường THPT Hoàng Long luôn linh hoạt sử dụng những phương pháp dạy học tích cực trong các tiết học để chất lượng giảng dạy được nâng cao, bên cạnh đó còn giúp học sinh phát triển toàn diện cả về năng lực - phẩm chất – nhân cách. Vào sáng ngày 27/03/2024, cô Nguyễn Thị Thu Trang và các em học sinh lớp 10A7 đã tổ chức và thực hiện thành công tiết Nghiên cứu bài học môn Ngữ văn bài thơ “Mùa hoa mận” của tác giả Chu Thuỳ Liên. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu tiết học ấy đã ứng dụng những phương pháp dạy học tích cực nào nhé!
LỚP HỌC ĐẢO NGƯỢC
Phương pháp lớp học đảo ngược được coi là một trong những phương pháp giúp học sinh phát huy tối đa năng lực tự học, sáng tạo của học sinh. Cô Thu Trang đã chia lớp 10A7 thành 4 nhóm để tìm hiểu ở nhà những thông tin chung về tác giả Chu Thuỳ Liên và tác phẩm “Mùa hoa mận”. Các nhóm đã đăng tải sản phẩm của mình lên Padlet cũng như nhận xét nhau trước tiết học. Nhóm 3 được chọn ngẫu nhiên lên để trình bày bài làm của nhóm, với phong phái tự tin thuyết trình và chuẩn bị chỉn chu về mặt nội dung, nhóm 3 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, qua đó cho thấy các em học sinh đã rất nghiêm túc và chủ động trong quá trình thực hiện yêu cầu được giao.
LÀM VIỆC NHÓM VỚI KĨ THUẬT “KHĂN TRẢI BÀN”
Trong hoạt động tiếp theo là tìm hiểu hình ảnh, từ ngữ và biện pháp tu từ trong khổ thơ một, cô Trang đã sử dụng phương pháp làm việc nhóm theo kĩ thuật “Khăn trải bàn”. Ở giờ học trước, mỗi bạn học sinh đã được phát một phiếu học tập cá nhân để tìm hiểu về bức tranh thiên nhiên mùa xuân Tây Bắc và tâm trạng con người khi mùa xuân về. Các em sẽ hoàn thành phiếu ở nhà và sau đó đến lớp sẽ hoạt động nhóm theo sự chỉ định của giáo viên, cô Trang chia lớp làm 4 nhóm. Mỗi nhóm được phát một tờ giấy A0, cả nhóm sẽ cùng trang trí và mỗi cá nhân sẽ ghi những ý kiến của mình xung quanh, nhóm trưởng sẽ tổng hợp thông tin và ghi lại kết quả hoàn thiện nhất ở ô chính giữa.
Sau đó một nhóm được chọn bất kì đã lên trình bày kết quả của nhóm mình, đó là nhóm một. Sản phẩm của các bạn vô cùng đa dạng và phong phú về hình thức, trên nền tờ giấy A0 là những hình vẽ đẹp mắt.. Không những vậy, cả lớp phía dưới chăm chú lắng nghe và tương tác với nhóm thuyết trình. Không khí của hoạt động làm việc nhóm đã diễn ra rất sôi nổi và hiệu quả.
SỬ DỤNG BẢNG TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ VÀ ĐÁNH GIÁ ĐỒNG ĐẲNG GIỮA CÁC NHÓM
Trong khi trình bày sản phẩm nhóm, các bạn học sinh còn thực hiện song song một thao tác nữa đó là đánh giá nhóm thuyết trình thông qua bảng tiêu chí đánh giá đã được cô Trang chuẩn bị. Trong bảng đánh giá sẽ có những tiêu chí cụ thể và thang đo mức điểm cho từng phần như nội dung, hình thức, cách thuyết trình, … Với cách đánh giá này sẽ giúp các bạn học sinh theo dõi hoạt động được sát sao hơn, nắm rõ nội dung bài cũng như nhận xét, góp ý cho nhóm bạn và cho chính bản thân mình.
PHƯƠNG PHÁP NHẬP VAI ĐẶC SẮC
Buổi nghiên cứu bài học trở nên lí thú và vui nhộn hơn bởi hai phần thuyết trình nhập vai những đồng bào dân tộc Tây Bắc như dân tộc Dao, dân tộc H’Mông, dân tộc Thái để giới thiệu cảnh sắc thiên nhiên Tây Bắc và những lễ hội truyền thống nơi đây. Địa danh Sapa, mỏm Cá heo và Lễ Nhảy lửa đã được giới thiệu tới các “du khách” thông qua giọng thuyết trình đầy cuốn hút của các cô hướng dẫn viên du lịch là các em học sinh nhập vai, không khí của buổi học trở nên sôi nổi cùng những tiếng cười và những tràng pháo tay hưởng ứng nồng nhiệt!
Tiết nghiên cứu bài học của cô Thu Trang và tập thể lớp 10A7 đã diễn ra thành công tốt đẹp trong sự tích cực và hào hứng tham gia của cả lớp. Mong rằng các thầy cô trường THPT Hoàng Long sẽ luôn không ngừng sáng tạo và ứng dụng những phương pháp dạy học hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường!
Trường THPT Hoàng Long