Dạy học hiệu quả hơn qua các giờ dạy nghiên cứu bài học

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng được những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, ban lãnh đạo trường THPT Hoàng Long Hanoi Tokyo luôn chủ trương đề cao tầm quan trọng của việc bồi dưỡng, tập huấn giáo viên nhằm tạo ra những giờ dạy học hiệu quả nhất.

Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học

Để đạt được điều đó thì không thể thiếu những giờ sinh hoạt chuyên môn, những buổi chia sẻ hữu ích từ những giáo viên giàu kinh nghiệm “thực chiến”. Sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học không còn là khái niệm xa lạ đối với công tác chuyên môn ở hầu hết trường THPT hiện nay. Một trong những hoạt động được đánh giá cao trong việc nâng cao chất lượng dạy học của giáo viên và học sinh là hoạt động tổ chức các giờ học theo hướng nghiên cứu bài học.

Giờ học vẫn diễn ra như một tiết học bình thường giữa thầy và trò, theo đúng khung chương trình, chỉ khác là tiết học đó có sự góp mặt dự giảng của các giáo viên, ban lãnh đạo; kế hoạch bài dạy trước giờ lên lớp cũng được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn và có sự chuẩn bị đầu tư hơn về các phương pháp, kĩ thuật dạy học tiên tiến, về học liệu cũng như trang thiết bị dạy học.

Thực hiện kế hoạch năm học của nhà trường, trường THPT Hoàng Long đẩy mạnh triển khai sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Tháng 5 vừa qua là tháng học mà trường đã tổ chức thành công nhiều tiết dạy nghiên cứu bài học của 6 tổ bộ môn bao gồm: tổ Ngữ Văn, tổ Toán - Tin, tổ Xã hội, tổ Tự nhiên, tổ tiếng Anh, tổ Nhật - Hàn - Trung.

Thông qua những tiết dạy minh họa, giáo viên hình thành được những kinh nghiệm quý giá cho bản thân, có cơ hội để kiểm nghiệm những vấn đề còn tồn đọng qua các buổi thảo luận và góp ý của tổ bộ môn, từ đó áp dụng vào nâng qua hiệu quả giờ học hằng ngày trên lớp. 

Cô Bùi Thị Lương Tâm trong tiết học Vật lí, bài học “Sự biến dạng”

Học sinh hào hứng, tích cực trong vai trò “trung tâm” của giờ học

Phát huy tối đa năng lực người học là mục tiêu hàng đầu của mỗi một giờ dạy nghiên cứu bài học. Vì thế mà việc cụ thể hóa nhiệm vụ học tập, trao quyền cho học sinh, chuyển nhiệm vụ đó đến học sinh trước khi diễn ra tiết dạy là điều vô cùng cần thiết. Tò mò là khởi nguồn của trí tuệ, việc học sinh tự chuẩn bị bài trước khi đến lớp giúp hình thành kĩ năng chủ động tiếp cận vấn đề và tự định hướng, từ đó học sinh hiểu rõ vai trò của mình hơn trong giờ học. 

 

Thầy Trần Mạnh Dũng (tổ Nhật - Hàn - Trung) với bài học: “Luyện tập làm đề thi đại học”

Trước giờ lên lớp tiết dạy minh họa, các thầy cô HLS luôn trăn trở và tâm huyết với kế hoạch bài dạy, trăn trở với giáo án để làm sao có thể truyền thụ kiến thức đến học sinh một cách sinh động và thực tiễn nhất. Những tiết dạy cần đảm bảo học sinh được hoạt động nhiều nhất, học sinh là trung tâm của mỗi một nhiệm vụ học tập, học sinh say sưa và hào hứng trong chính phần “trình diễn” của mình

Học sinh tích cực thảo luận nhóm trong giờ học tiếng Anh “Dự án học tập làm thẻ từ vựng”

Các tiết học nghiên cứu bài học diễn ra thành công với nhiều hoạt động dạy học đa dạng, phát huy tối đa năng lực người học. Bên cạnh hoạt động cá nhân, người dạy ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động nhóm, hoạt động cặp đôi. Các thầy cô trong tổ vẫn hằng ngày miệt mài nghiên cứu, học tập và tổ chức cho học sinh thực hiện các chuỗi hoạt động học tập phù hợp, xây dựng nhiệm vụ học tập rõ ràng và phù hợp với khả năng của học sinh.

Giờ học Ngữ Văn đầy sinh động và truyền cảm: “Tôi yêu em” (Puskin)

Một trong những thành công của tiết dạy nghiên cứu bài học thể hiện ở yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải trình bày khi hoàn thiện; hình thức hoạt động sinh động, hấp dẫn, kích thích được sự hứng thú nhận thức của học sinh, đảm bảo cho tất cả học sinh đều tiếp nhận và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, các năng lực nền tảng của HLSers được mài giũa và nâng cao mỗi ngày như năng lực quan sát, thực hành; năng lực nghiên cứu; năng lực hợp tác, giao tiếp; năng lực ngôn ngữ; năng lực giải quyết vấn đề.

Học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn

Trải qua nhiều tiết học minh họa, những giờ trao đổi, sinh hoạt chuyên môn rút kinh nghiệm giờ dạy, chúng ta đều nhận thấy tính ưu việt, hiệu quả rõ ràng của những giờ dạy nghiên cứu bài học so với các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi thông thường vì nó giải quyết được những vấn đề thực tiễn nảy sinh trong một tiết học hằng ngày. 

Kết quả của hoạt động này thể hiện rõ trong từng tiết dạy, trong từng biểu hiện cụ thể của học sinh. Mỗi học sinh thực sự trở thành một “mảnh ghép” không thể thiếu trong mỗi một hoạt động nhóm. Học sinh được chủ động phân công nhiệm vụ trong nhóm, hỗ trợ lẫn nhau, phát huy thế mạnh của từng thành viên để cuối cùng tạo ra được sản phẩm chất lượng nhất. 

Học sinh sáng tạo trong giờ học Lịch sử: “Một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu ở Việt Nam” - Thầy Trần Lương Vỹ

Lẽ dĩ nhiên vẫn còn một số học sinh chưa thực sự tích cực, chưa tập trung vào bài học để thực hiện nhiệm vụ. Nhưng với sự động viên, khích lệ của các giáo viên, tin rằng các bạn sẽ có thể dần dần thích nghi và tự mình khám phá, khai thác được năng lực của bản thân nhờ vào những đổi mới sáng tạo trong phương pháp, kĩ thuật dạy học của giáo viên. 

Sau mỗi giờ học theo hướng nghiên cứu bài học, các giáo viên trong tổ sẽ tổ chức họp bàn để cùng thảo luận, đưa ra những góp ý, đánh giá ưu - nhược điểm của tiết dạy: từ việc đảm bảo tiến trình bài dạy, tính hợp lí trong việc tổ chức các hoạt động dạy học đến sự tham gia tích cực của học sinh, cách thức quản lí và hướng dẫn học sinh thực hiện nhiệm vụ của giáo viên. 

Hiểu rõ mục tiêu dạy học là phát huy tối đa năng lực học sinh, phát hiện và nuôi dưỡng những “nhân tài” của tương lai, trường THPT Hoàng Long luôn hướng đến đổi mới và sáng tạo trong dạy và học. Đổi mới sáng tạo là không ngừng, người thành công là người biết đứng trên vai của người khổng lồ. Nghiên cứu, sáng tạo và thực hành, sau đó rút kinh nghiệm để lại một lần nữa thực hành, áp dụng vào thực tiễn - đó là nỗi trăn trở hằng ngày của mỗi một thầy cô giáo, của những người làm giáo dục, luôn hướng đến một thế hệ người học chủ động và tích cực - học để mỗi ngày kiến tạo nên giá trị cho bản thân và cho xã hội!

TRƯỜNG THPT HOÀNG LONG