Thầy Trần Lương Vỹ đã biến tiết học Lịch sử thông thường thành sân khấu kịch nghệ, đài truyền hình và cuộc thi tranh biện, làm bài học “Cách mạng tháng Tám năm 1945” trở nên thú vị hơn bao giờ hết.
Thay vì áp dụng phương pháp giảng dạy truyền thống, thầy Trần Lương Vỹ đã sử dụng phương pháp dạy học phân hóa, giúp học sinh phát huy tối đa năng lực và tư duy sáng tạo. Chương trình học không chỉ đơn thuần là việc truyền đạt kiến thức mà còn tạo cơ hội cho các em khám phá khả năng cá nhân và làm việc nhóm thông qua các hoạt động thực tiễn.
Thầy Vỹ phân chia các nhóm và giao nhiệm vụ phù hợp với khả năng của từng em. Các em không chỉ tìm hiểu mà còn “sống” trong không khí lịch sử của Cách mạng Tháng Tám qua những vai trò khác nhau:
Nhóm Kịch nghệ: Những em có thiên hướng sáng tạo và diễn xuất đã nhập vai vào bối cảnh lịch sử của năm 1945, tái hiện cuộc họp bí mật của Đảng với quyết tâm khởi nghĩa. Đây là cơ hội để các em thể hiện khả năng diễn xuất và nâng cao hiểu biết về tinh thần đoàn kết của dân tộc.
Nhóm Phóng viên truyền hình: Với kỹ năng giao tiếp và thiết kế nội dung, nhóm này thực hiện bản tin về cuộc khởi nghĩa, tường thuật diễn biến lịch sử qua lăng kính của các phóng viên. Nhiệm vụ này giúp các em rèn luyện kỹ năng báo cáo và khai thác tài liệu lịch sử một cách sống động. Cả lớp cũng trầm trồ khi được xem một bản tin truyền hình đầy hấp dẫn.
Nhóm Tranh biện: Những học sinh yêu thích tư duy phản biện và lập luận tham gia tranh luận về nhận định “Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là một sự ăn may”. Cuộc tranh biện không chỉ củng cố kiến thức mà còn giúp các em tự tin bảo vệ quan điểm của mình, đồng thời phát triển khả năng tư duy sâu sắc về các yếu tố quyết định thành công của lịch sử.
Thông qua các hoạt động nhóm đa dạng này, thầy Trần Lương Vỹ đã khéo léo khơi gợi tinh thần đoàn kết và trách nhiệm trong mỗi học sinh. Mỗi em đều có cơ hội thể hiện bản thân, đồng thời học hỏi từ bạn bè, tạo nên không khí học tập sôi nổi và tích cực.
Thầy Trần Lương Vỹ chia sẻ: “Tôi liên tục cập nhật, sáng tạo những phương pháp, kỹ thuật dạy học môn Lịch sử, giúp học sinh dễ ghi nhớ và yêu thích môn học này. Chứng kiến học sinh của mình hào hứng học tập và đạt kết quả tốt, tôi thấy rất vui và tự hào”.
Ở Trường THPT Hoàng Long, các tiết dạy học sáng tạo như “Cách mạng tháng Tám” của thầy Trần Lương Vỹ được đưa vào giảng dạy ở các lớp, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các giáo viên áp dụng các kỹ thuật dạy học: kỹ thuật lẩu băng chuyền, xích xe tăng, kỹ thuật bể cá, bàn tay dặm bột, kỹ thuật chuyên gia mảnh ghép, sơ đồ tư duy,...
Những phương pháp kỹ thuật dạy học đó đã tạo ra một môi trường học tập đầy cảm hứng, khuyến khích sự sáng tạo và tinh thần hợp tác của học sinh. Qua đó, học sinh được chủ động, sáng tạo, đưa ra ý tưởng giải quyết vấn đề, phát huy tối đa năng lực của bản thân.
Xem full bộ ảnh tiết học Lịch sử sáng tạo của thầy Trần Lương Vỹ tại đây!
Trường THPT Hoàng Long
Phát triển tri thức - Chắp cánh tương lai