Trải nghiệm sáng tạo T5/2019: Môn địa lí với chủ đề “Hiệp sĩ Trái đất"

      Hiện nay, việc chặt phá rừng đang là một vấn nạn hết sức nhức nhối của toàn xã hội. Các em có biết, chặt phá rừng chính là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên; môi trường sinh thái bị ô nhiễm, lũ lụt. Chính vì thế, Trải nghiệm sáng tạo tháng 5 môn Địa lý với chủ đề: “Hiệp sỹ trái đất” đã giúp học sinh trường THPT Hoàng Long hiểu hơn về tác dụng của việc trồng cây chống xói mòn đất và gửi thông điệp bảo vệ môi trường đến những người xung quanh.

     Chương trình trải nghiệm bao gồm 4 hoạt động với nội dung hấp dẫn, thú vị, gắn với thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển năng lực cho học sinh.

     Thông qua các thí nghiệm, học sinh có khả năng vận dụng kiến thức của nhiều môn học, đặc biệt là môn Địa lí để lí giải một số hiện tượng trong thực tế, qua đó giúp học sinh củng cố, vận dụng kiến thức một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, thấy được thú vị của khoa học, từ đó khơi dậy niềm đam mê tìm tòi khám phá khoa học cũng như thêm yêu thích học các môn khoa học.

     Đồng thời, học sinh được tự tay tiến hành thí nghiệm và đặc biệt tạo ra được những sản phẩm học tập ý nghĩa. Qua đó học sinh được phát triển năng lực thực hành, năng lực sáng tạo, cũng như khả năng làm việc nhóm theo định hướng nghiên cứu khoa học.

     Đến với thí nghiệm hiện tượng xói mòn đất, học sinh sẽ nắm được Quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của lớp vỏ Địa lí, vai trò của lớp phủ thực vật, từ đó đề ra được những biện pháp bảo vệ tài nguyên đất.

     Sau khi hoàn thành 3 mẫu thí nghiệm về 3 loại đất khác nhau, học sinh đổ nước vào cả 3 chai nhựa và quan sát hiện tượng. Kết quả cho thấy nếu đất có 1 lớp phủ thực vật là cây trồng thì lượng nước chảy xuống cốc sẽ ít và chậm hơn rất nhiều so với việc đất không có lớp phủ thực vật.

     Sau thí nghiệm này, đa phần học sinh đều thấy được sự cần thiết và tầm quan trọng của việc trồng cây gây rừng trong việc chống xói mòn tài nguyên đất và phòng thiên tai, lũ lụt.

     Ngoài ra, giáo viên sẽ phát cho mỗi học sinh một hạt giống và cốc giấy để các em gieo hạt, trang trí chậu cây theo ý mình để các em trưng bày tại lớp. Qua đó, học sinh phần nào hiểu được biện pháp bảo vệ môi trường.  

     Ngoài ra, học sinh còn có hoạt động ngoài là gấp giấy origami – một loại hình gấp giấy truyền thống của Nhật bản từ chính những giấy báo cũ.

     Cuối cùng, học sinh sẽ được phát những bức thư nhỏ để viết thông điệp của bản thân về việc bảo vệ môi trường, tuyên truyền những thông điệp tích cực đến cộng đồng.

     Thông qua các hoạt động của trải nghiệm sáng tạo môn Địa lý đã giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và từ đó có những hành động thiết thực để góp phần cải thiện môi trường như trồng cây xanh, tái sử dụng những vật liệu đã qua sử dụng, tuyên truyền đến người thân và cộng đồng.

TRƯỜNG THPT HOÀNG LONG