Vượt qua nhiều thầy cô giáo có chuyên môn cao, 5 thầy cô dưới đây đã có mặt tại vòng “chung kết”, đại diện cho các Tổ chuyên môn tham gia cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở. Họ không chỉ được biết đến bởi năng lực, nhiệt huyết mà còn gây ấn tượng bởi phương pháp giáo dục tích cực.
Cô Trịnh Thị Kim Ngân - Tổ Ngoại Ngữ
Để có được thành công này, cô Trịnh Thị Kim Ngân cho biết phần lớn nhờ vào sự giúp đỡ của Tổ chuyên môn. “Các giáo viên (GV) trong Tổ có vai trò thảo luận, góp ý giáo án, dự giờ góp ý tiết dạy nghiên cứu bài học. Qua hội thi Giáo viên dạy giỏi (GVDG), tôi thấy bản thân đã trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý giá qua những lời nhận xét, góp ý của Tổ Chuyên môn, của Ban Lãnh đạo và những GV khác để nâng cao phương pháp giảng dạy cũng như trau dồi hoàn thiện kiến thức của bản thân qua từng vòng thi”, cô Kim Ngân nói.
Thời gian tới, cô Ngân dự định sẽ không ngừng nghiên cứu, học hỏi về những phương pháp, kĩ thuật giảng dạy mới như kỹ thuật băng chuyền, kỹ thuật tia chớp, kỹ thuật đóng vai... để có thể nâng cao tầm hiểu biết cá nhân cũng như mang tới những phương pháp giảng dạy linh hoạt, hứng thú, tích cực hơn đến với học sinh học ngoại ngữ, đặc biệt là những học sinh lớp Song ngữ. Theo quan điểm giáo dục của cô Ngân, học sinh cần học ngoại ngữ để biết, để giao tiếp trong thực tiễn và hội nhập về văn hóa chứ không đơn thuần là thi lấy chứng chỉ quốc tế.
Cô Ngô Thị Linh - Tổ Ngữ Văn
Là một trong những giáo viên đón đầu về ứng dụng Khoa học công nghệ trong phương pháp dạy học, cô Linh được nhiều học sinh yêu thích và phản hồi tích cực. “Việc vận dụng các phương pháp kĩ thuật dạy học đổi mới và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào các hoạt động dạy học không hề khó khăn. Đó là bởi Nhà trường có trang thiết bị dạy học tốt và trình độ tin học của GV, HS đáp ứng được các kĩ thuật dạy học khi có CNTT hỗ trợ”, cô Linh chia sẻ.
Theo cô Ngô Linh, điều làm HS thích thú với tiết Văn chính là khi HS được thể hiện sự sáng tạo, tự do bày tỏ chính kiến với các vấn đề được đặt ra trong mỗi văn bản. GV áp dụng nhiều kỹ thuật, phương pháp dạy học đổi mới nên tiết học luôn sinh động, đa màu sắc.
“Khi thấy HS hào hứng với tiết học, tôi cảm thấy có thêm nhiệt huyết, có thể thăng hoa cùng bài học và tình yêu với nghề mỗi ngày một nhiều hơn. HS tham gia tích cực vào bài học khiến tôi có động lực để tìm tòi, thiết kế các hoạt động dạy học phong phú, đa dạng hơn”, cô Ngô Linh nói.
Cô Phùng Thị Hồng Liên - Tổ Toán Tin
Cô Phùng Thị Hồng Liên luôn đề cao tính ứng dụng của phương pháp dạy học tích cực. Đây là phương pháp dạy học mà ở đó giáo viên sẽ đưa ra những gợi ý mang tính gợi mở để các em học sinh thảo luận và tự đưa ra kết luận cuối cùng. Phương pháp này giúp phát huy khả năng sáng tạo, sự chủ động và tính tích cực của người học.
Trong các tiết dạy, cô Liên thường giao nhiệm vụ cho HS để các em chuẩn bị bài, chia nhóm thảo luận. Sau đó, cô Liên sẽ cho các bạn phát huy sức sáng tạo trong bài làm, cô luôn theo sát bài làm của từng nhóm để đạt hiệu quả cao nhất.
Theo cô Liên, phương pháp dạy học tích cực này mang đến nhiều thay đổi ở người học. HS cảm thấy thoải mái, hứng thú và tích cực tham gia tiết học hơn. Đồng thời, các em cũng chủ động tiếp cận vấn đề và chủ động làm bài tập.
Cô Tô Thị Thanh Hương - Tổ Xã hội
Cô Tô Hương cũng có nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng dạy học. Cụ thể là: Rèn luyện năng lực thấu cảm cho học sinh; Vận dụng dạy học theo tình huống; Vận dụng dạy học định hướng hành động; Tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin hợp lý hỗ trợ dạy học, Sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo; Chú trọng các phương pháp dạy học đặc thù bộ môn; Bồi dưỡng phương pháp học tập tích cực cho học sinh; Nâng cao năng lực giảng dạy, truyền thụ kiến thức cho học sinh, Bồi dưỡng năng lực tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh,..
“Qua thực hiện các giải pháp trên, tôi thấy chất lượng học tập của học sinh lớp mình dạy có sự cải thiện rõ rệt so với đầu năm. Học sinh tương tác với GV bộ môn nhiều hơn, tích cực chủ động nghiên cứu trước bài học theo nhiệm vụ mà giáo viên hướng dẫn. Các sản phẩm của học sinh ngày càng sáng tạo và chất lượng hơn”, cô Hương chia sẻ.
Cô Bùi Thị Lương Tâm - Tổ Tự nhiên
Cô Lương Tâm không chỉ sử dụng phương pháp dạy học tích cực mà còn phát triển nó vô cùng chi tiết để đạt hiệu quả tối đa. Theo cô, GV có thể áp dụng kỹ thuật bể cá, kỹ thuật mảnh ghép, kỹ thuật tia chớp, kỹ thuật phòng tranh, kỹ thuật đặt câu hỏi, kỹ thuật lẩu băng chuyền, kỹ thuật XYZ,... Những kỹ thuật này giúp học sinh ham học hỏi hơn và hứng thú hơn với mỗi tiết học.
Bên cạnh đó, cô Tâm còn sử dụng các phương pháp trực quan trong tiết dạy. “Tôi tận dụng tối đa đồ dùng thí nghiệm, cho học sinh xem video hình ảnh minh họa chi tiết, thực hiện thí nghiệm ảo mô phỏng và cho học sinh tự thiết kế các đồ dùng. Những hoạt động này sẽ giúp các em nhớ bài lâu hơn và cảm giác có được thành tựu. Từ đó các em hứng thú hơn”, cô Tâm chia sẻ thêm.
Học tập chính là quá trình khám phá và chinh phục. Thấu hiểu sứ mệnh của người thầy, các thầy cô giáo tại trường THPT Hoàng Long luôn từng ngày từng giờ trau dồi chuyên môn để mang đến bài học chất lượng, cuốn hút. Trên hành trình kiến tạo thương hiệu Trường học hạnh phúc - Người thầy luôn sẵn sàng đi đầu để dẫn lối cho các em học sinh chạm tới ước mơ.
Trường THPT Hoàng Long