Giáo viên Hoàng Long tham gia cuộc thi “Giáo viên dạy giỏi” cấp Trường

Cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp Trường tại THPT Hoàng Long đang tổ chức với sự tham gia, hưởng ứng của nhiều giáo viên nhiệt huyết. Đây là một hoạt động đầy ý nghĩa, không chỉ để giáo viên thể hiện năng lực mà còn là cơ hội để các giáo viên trẻ được trao đổi kinh nghiệm, học hỏi và phát huy, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi về việc giảng dạy, tổ chức lớp học và các kỹ năng khác.

Tham gia cuộc thi có giáo viên ở các Tổ bộ môn: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Vật Lí, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, GD Kinh tế pháp luật. Mỗi Tổ đề cử 3 giáo viên tham gia ở cấp Tổ từ ngày 22/2/2023 đến ngày 17/3/2023 và từ đó lựa chọn người xuất sắc nhất để tham gia ở cấp Trường, thời gian từ ngày 20-31/3/2023.

Vòng thi cấp trường gồm 2 nội dung. Một là thực hành dạy 1 tiết theo kế hoạch giảng dạy tại thời điểm diễn ra Hội thi theo chương trình lớp 10 (CT GDPT 2018). Hai là trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy của cá nhân. Thời lượng trình bày giải pháp không quá 30 phút, bao gồm cả thời gian ban giám khảo trao đổi (giáo viên trình bày trong 15 phút, ban giám khảo trao đổi với giáo viên trong 15 phút). Biện pháp được lãnh đạo nhà trường xác nhận áp dụng hiệu quả, lần đầu được dùng để đăng ký tham dự hội thi.

Cô giáo Mai Thị Huê (áo kẻ) hướng dẫn học sinh trong một tiết học môn Hóa.

Sáng tạo nội dung và hình thức giảng dạy

Để chuẩn bị cho cuộc thi, các giáo viên đã nỗ lực tìm tòi và đổi mới, đem đến cho học sinh những bài giảng thú vị và sáng tạo. Đồng thời, các giáo viên cũng đã trao đổi kinh nghiệm, học hỏi từ nhau về cách tổ chức lớp học, các kỹ thuật dạy học, cách xử lý tình huống và các kỹ năng khác.

Cô Mai Thị Huê, giáo viên tham gia cuộc thi này, cho biết: “Tôi dành rất nhiều thời gian để đầu tư vào chất lượng bài giảng, làm sao để đảm bảo học sinh tiếp thu được những kiến thức một cách sáng tạo. Ngoài ra, đây là một cơ hội để tôi đưa ra những sáng kiến kinh nghiệm của mình”.

Để lớp học tiếng Nhật sôi động hơn, thầy giáo Nguyễn Trần Mạnh Dũng tạo ra các hoạt động mới mẻ. Học sinh đóng vai người bán và người mua đồ ăn thức uống và dùng tiếng Nhật để giao tiếp, trao đổi với nhau. Theo thầy Dũng, hoạt động này đã rèn luyện cho các em kỹ năng giao tiếp sát với thực tế, học sinh cũng chủ động sáng tạo và năng động hơn.

Học sinh tự làm menu bằng tiếng Nhật và bán hàng.

Không chỉ là một cuộc thi, đây còn là dịp để các giáo viên có thể thể hiện năng lực của mình, cùng nhau chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm giảng dạy và trau dồi các kỹ năng khác nhau. Điều này giúp các giáo viên không chỉ làm việc hiệu quả hơn mà còn đem lại cho học sinh những trải nghiệm môn học mới lạ, sáng tạo, giúp học sinh phát huy được tính tự học và khuyến khích học sinh học tập và trau dồi kiến thức một cách tích cực. Bên cạnh đó, cuộc thi cũng đánh giá cao sự phối hợp và sáng tạo của các giáo viên trong việc sử dụng các phương tiện, đồ dùng dạy học hiệu quả.

Tiêu chí khắt khe

Để đảm bảo tính công bằng và khách quan trong cuộc thi, 3 thành viên trong hội đồng giám khảo đã được chọn lựa cẩn thận, trong đó có ít nhất 1 giám khảo cùng chuyên môn. Ban giám khảo cũng đưa ra nhiều tiêu chí khác nhau như tính sáng tạo, tính ứng dụng, hiệu quả,...để đánh giá các bài giảng.

Cụ thể, giáo viên được đánh giá mức “Đạt” khi đảm bảo 3 yêu cầu sau:
1. Nêu rõ được biện pháp có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy học và giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh và thực tiễn nhà trường, địa phương trong công tác giảng dạy của giáo viên tại nhà trường.
2. Biện pháp được nhà trường và đồng nghiệp ghi nhận.
3. Có bảng số liệu minh chứng về sự tiến bộ của học sinh khi áp dụng biện pháp.

Học sinh được tiếp cận với những phương pháp giảng dạy mới lạ.

Theo tiêu chí của ban giám khảo, giáo viên đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” phải đảm bảo: Phần thực hành tiết dạy được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá loại giỏi và không có giám khảo đánh giá loại trung bình trở xuống; phần trình bày biện pháp nâng cao chất lượng công tác giảng dạy được ít nhất 2/3 số giám khảo đánh giá mức đạt.

Sau cuộc thi, nếu giáo viên đạt mức khá trở lên trong năm học 2021-2022 (theo đánh giá của tổ chuyên môn) và đạt giải nhất cuộc thi cấp Tổ sẽ được lựa chọn tham gia hội thi cấp Trường. Giáo viên dạy giỏi cấp Trường sẽ được lựa chọn kỹ càng để tham gia các cuộc thi cấp Cụm/TP.

“Cạnh tranh lành mạnh”

Theo bà Đào Thị Thu Trang, Phó Hiệu trưởng nhà trường, việc tổ chức cuộc thi giáo viên dạy giỏi cấp Trường có nhiều lợi ích quan trọng.

Học sinh thích thú và hào hứng tham gia các bài học sáng tạo của thầy cô.

“Cuộc thi đã khuyến khích và tạo động lực cho các giáo viên trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy của mình. Thông qua cuộc thi, các giáo viên có thể cải thiện kỹ năng giảng dạy, nghiên cứu và thực hành các phương pháp mới và hiệu quả hơn để giúp học sinh học tập tốt hơn. Các giáo viên cũng được học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ những thành công, thất bại và phát triển những ý tưởng mới.

Bên cạnh đó, cuộc thi cũng tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các giáo viên. Sau cuộc thi, nhà trường có đánh giá khách quan về chất lượng giảng dạy, từ đó đưa ra các biện pháp, giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn toàn trường”, bà Đào Thị Thu Trang, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay.

Theo ban tổ chức, giáo viên đạt giải Nhất sẽ được thưởng 2.000.000đ; 02 giải Nhì trị giá 3.000.000đ và 03 giải Ba trị giá 3.000.000đ.

Trường THPT Hoàng Long