Sáng ngày 16/3/2019, tại hội trường của trường THPT Hoàng Long đã diễn ra buổi “Hội thảo giáo dục đạo đức lần thứ nhất”. Đây chính là nhiệm vụ được cụ thể hóa trong triển khai, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Tham dự Hội thảo có đại diện Ban lãnh đạo, Ban Giám Hiệu, đại diện Công Đoàn và Đoàn thanh niên nhà trường, giáo viên chủ nhiệm của các lớp và 23 em học sinh có nhiều cố gắng trong rèn luyện đạo đức trong học kỳ I năm học 2018 - 2019. Cùng tham dự hội thảo còn có đại diện Hội cha mẹ học sinh và phụ huynh của các em học sinh tham gia hội thảo.
Trong hội thảo, các giáo viên cùng nhau trình bày tham luận và chia sẻ và về thực trạng đạo đức học sinh; những kinh nghiệm trong quản lí, giáo dục học sinh cá biệt; những phương pháp hay về giáo dục đạo đức đối với những học sinh chưa ngoan; cách lồng ghép và giáo dục kỹ năng sống trong tiết sinh hoạt chủ nhiệm;… Mỗi bài tham luận đều mang một màu sắc riêng, phản ánh rất chính xác và chân thực thực trạng đạo đức và những chuyển biến tích cực trong việc rèn luyện đạo đức của học sinh từ đầu năm đến nay. Phần lớn các bài tham luận đều nhận được sự đồng tình từ phía phụ huynh học sinh.
Báo cáo về thực trạng số lượng và chất lượng học sinh chưa ngoan đầu năm và hiện tại, Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân - giáo viên chủ nhiệm lớp 11SNA3 cho biết: Đầu năm số lượng học sinh cá biệt, học sinh chưa ngoan của trường là 63 em (chiếm 29% tổng số học sinh toàn trường). Đến thời điểm hiện tại, con số ấy chỉ còn 26 em ( chiếm 11,2% tổng số học sinh toàn trường). Đây là sự chuyển biến rất tích cực và đáng ghi nhận về mặt đạo đức của học sinh cũng như đánh dấu thành quả nỗ lực của toàn bộ Ban Lãnh đạo, Ban giám hiệu và các thầy cô giáo trường THPT Hoàng Long. Điều đó cho thấy bước đi và mục tiêu chiến lược của Nhà trường trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh theo văn hóa Nhật Bản là hết sức đúng đắn.
Tham luận của cô Tô Thị Thanh Hương – chủ nhiệm lớp 10SNA4 về các giải pháp đã và đang áp dụng với những học sinh chưa ngoan. Cô Hương cho biết, lứa tuổi THPT là giai đoạn các em đang thay đổi tâm sinh lý nên rất nhạy cảm và nông nổi. Vì vậy cần có những biện pháp giáo dục phù hợp với từng em và từng lớp, khiến học sinh tự hiểu ra những sai phạm của bản thân.
Trong hội thảo, nhiều học sinh đã nêu ra ý kiến của mình sau gần 1 năm học học tại trường THPT Hoàng Long. Tất cả các em đều bày tỏ lòng biết ơn đối với các thầy, cô giáo chủ nhiệm và Ban Giám hiệu đã luôn đồng hành, quan tâm và đôn đốc các em trong việc giữ gìn ý thức kỷ luật. Bản thân các em cũng thấy được sự thay đổi tích cực của mình, từ những cô bé, cậu bé ham chơi, nghịch ngợm, hay đi học muộn, ngủ trong giờ, không ghi chép bài… Giờ đây các em đã biết tự giác ghi chép, không đi học muộn, không ngủ trong giờ và đã biết giúp đỡ và bảo vệ các bạn khác trong lớp. Các em đang dần dần trở thành niềm tự hào của bố mẹ và các thầy cô giáo.
Từ những bài tham luận của giáo viên và học sinh, đa số phụ huynh học sinh đều cảm thấy đồng tình và nhất trí với những biến chuyển của con em mình cũng như các biện pháp giáo dục đạo đức học sinh mà nhà trường đưa ra. Một số phụ huynh đã đứng lên bày tỏ cảm xúc và ý kiến của mình sau một thời gian cho con học tập tại trường THPT Hoàng Long. Có phụ huynh đã rất xúc động cảm phục tình yêu thương mà các cô giáo chủ nhiệm dành cho các con, chỉ có tình yêu thương thực sự, lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm thì các cô giáo mới cảm hóa được học sinh của mình. Phụ huynh cũng rất cảm ơn nhà trường đã tạo điều kiện hết sức để các con có môi trường học tập và rèn luyện đạo đức tốt, giúp các con ngày một hoàn thiện bản thân.
Để động viên và ghi nhận những thành tích của một số học sinh tiêu biểu đã đạt được về mặt rèn luyện đạo đức. Nhà trường đã khen thưởng 7 em học sinh đã có tiến bộ vượt bậc về mặt đạo đức. Các em chính là tấm gương sáng cho các bạn khác noi theo. Nhà trường và các thầy cô tin rằng các em đang dần hoàn thiện bản thân và tương lai sẽ trở thành những người có ích cho xã hội.
Kết thúc buổi Hội thảo, Ths. Lê Ngọc Lan đã tổng kết lại những phương pháp giáo dục học sinh từ khi còn bé cho đến khi trưởng thành. Mỗi giai đoạn cha mẹ cần có những biện pháp giáo dục khác nhau. Ths. Lê Ngọc Lan cho biết để uốn nắn các con thì phải uốn nắn từ từ và ngay từ khi còn bé. Nếu ngay lập tức bắt con phải thay đổi những thói quen xấu thì con sẽ khó mà thay đổi được mà nên để cho con có thời gian dần dần thay đổi. Có như vậy mới có hiệu quả cao và không tạo áp lực lên các con.
Trường THPT Hoàng Long