Thỉnh thoảng bố mẹ con lại cãi nhau, gia đình trong tình trạng “chiến tranh lạnh” nên con không dám chia sẻ mọi chuyện với bố mẹ. Lúc họ quá căng thẳng, con chỉ biết trốn đi và khóc. Con không có ai để chia sẻ và thấy mình bị ảnh hưởng tâm lý khá nhiều. Con phải làm sao?
Chuyên gia Phạm Thuỳ Dung - Phòng Tư vấn tâm lý - trả lời:
”Khi cha mẹ tranh luận và chưa đi đến hồi kết, hãy là người giảng hòa giúp bầu không khí gia đình không quá căng thẳng, mệt mỏi".
Đó là thông điệp mà cô muốn gửi đến con. Cô biết đó không phải là một điều dễ dàng đối với con. Nhưng thay bằng việc mình yếu đuối, con nên chọn cách cho bản thân mình mạnh mẽ đối đầu với những khó khăn. Có câu nói: "Không ai chọn được nơi mình sinh ra". Thay vì con lựa chọn sự yếu đuối để ảnh hưởng đến tâm lý thì hãy thử một lần để bản thân con là người chữa lành cho bố mẹ.
Người ta thường nói: "Con cái chính là sự kết nối của bố mẹ". Đôi khi trong cuộc sống người lớn có những áp lực đè nén, bố mẹ con không có thời gian chia sẻ với nhau nên dẫn đến những bất đồng. Con đã bao giờ thử lắng nghe - chia sẻ - giúp đỡ bố mẹ giảng hòa chưa? Hãy thử nhé! Cuộc sống có rất nhiều điều khiến mình nên thử. Bố mẹ là nơi con có thể chia sẻ. Đừng lấy nỗi sợ của bản thân ra để khép mình vào góc tối. Thay vì trốn tránh, con hãy đối mặt bằng cách chia sẻ với bố mẹ những gì con cảm nhận.
Cách để bố mẹ chấm dứt cãi vã:
Bí quyết thứ 1: Nếu cha mẹ có những bất đồng quan điểm lớn, thường xuyên có những câu từ trách móc nhau nhiều hơn, hãy là người đứng ra giảng hòa và cố gắng chấm dứt những xung đột giữa hai người. Hãy khéo léo là êm dịu mọi chuyện bằng cách khuyên đôi bên bình tĩnh, dành khoảng thời gian riêng tư để có thể bình tâm trở lại.
Đặc biệt, lời nói của con cái trưởng thành sẽ giúp cho cha mẹ có thể kiểm soát được lời nói, tránh làm tổn thương đối phương. Cô cho rằng, con cái đôi khi sẽ là người giảng hòa tuyệt vời, và hữu hiệu nhất để có thể kết nối cha mẹ, giúp bầu không khí gia đình luôn vui vẻ và gắn kết.
Bí quyết thứ 2: Con hãy dành thời gian nói chuyện riêng với cha mẹ. Mỗi người đều có cái tôi, quan điểm khác biệt, vì thế hãy lắng nghe những khúc mắc của từng người để giúp cha mẹ giải tỏa được phần nào bức xúc. Biết cách lựa lời, khéo léo dành lời khuyên hay chỉ ra những điểm được hay chưa được của cha mẹ sẽ giúp 2 người bình tĩnh, cùng tìm hướng giải quyết chung.
Cách làm này cũng cho cha mẹ thấy rằng, con cũng đã trưởng thành, có suy nghĩ riêng. Việc tạo thói quen lắng nghe ý kiến của con, không áp đặt suy nghĩ của mình với con cũng là một trong những điểm quan trọng để giúp cha mẹ và con có được mối quan hệ thân thiết, có thể chia sẻ mọi điều với nhau mà không ngại ngần, hay xa cách vì suy nghĩ giữa 2 thế hệ.
Đó là những chia sẻ mà cô muốn gửi đến con để giúp con thử làm một người có suy nghĩ trưởng thành. Con hãy đặt mình vào vị trí là người hòa giải. Sau này con cũng sẽ có gia đình riêng. Nếu con có thể nhìn nhận được vấn đề và chấp nhận tìm cách giải quyết nó thì cô tin rằng cuộc sống tương lai của con sẽ không bao giờ mắc phải điều mà bố mẹ đang xảy ra. Cô chúc con thành công!
Trường THPT Hoàng Long