Phương pháp dạy học tích cực là xu hướng của thế giới.
Phương pháp này đã chứng minh tính ưu việt của nó và đặc biệt được yêu thích bởi cả thầy và trò.
Phương pháp dạy học (PPDH) là cách thức giáo viên truyền đạt kiến thức và cảm hứng học tập cho học sinh.
Như các thầy cô biết, phương pháp dạy học có 3 bình diện vĩ mô, trung gian và vi mô tương ứng là:
- Quan điểm về phương pháp dạy học - QĐDH
- Hình thức của phương pháp dạy học (chính là cách thức giảng dạy) - HTDH
- Kỹ thuật dạy học - KTDH.
Tóm lại, QĐDH là khái niệm rộng, định hướng cho việc lựa chọn các HTDH cụ thể và các HTDH khác nhau sẽ cần những KTDH khác nhau.
1. Vậy Phương pháp dạy học tích cực là gì?
Phương pháp dạy học tích cực là cách gọi tắt của các phương pháp dạy học theo quan điểm rằng: "Dạy học phải phát huy tinh thần học tập tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh".
PPDH tích cực hướng tới nhiều hoạt động khác nhau trong học tập, tích cực hóa hoạt động của người học.
Chú ý là phương pháp này tập trung vào phát huy tính tích cực của người học chứ không phải người dạy thông qua các kỹ thuật dạy học tích cực.
Dạy học tích cực lấy học sinh làm trọng tâm
Tuy nhiên, để dạy học theo phương pháp tích cực thì thầy giáo phải nỗ lực nhiều so với dạy theo phương pháp thụ động. Thầy cô giáo cần phải có bản lĩnh, chuyên môn tốt và cả sự nhiệt thành, hoạt động hết công suất trong quá trình giảng dạy.
2. Ý nghĩa của phương pháp dạy học tích cực
Nói đến phương pháp dạy học tích cực chính là nói đến cách dạy học mà ở đó, giáo viên là người đưa ra những gợi mở cho một vấn đề và cùng học sinh bàn luận, tìm ra mấu chốt vấn đề cũng như những vấn đề liên quan. Phương pháp này lấy sự chủ động tìm tòi, sáng tạo, tư duy của học sinh làm nền tảng, giáo viên chỉ là người dẫn dắt và gợi mở vấn đề.
Cụ thể, lợi ích mà phương pháp dạy học tích cực mang lại cho học sinh là:
- Phát triển kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm
Học sinh được rèn luyện kỹ năng này một cách thường xuyên. Chúng thấy được sức mạnh của làm việc tập thể và các khó khăn cần khắc phục.
- Tăng mức độ tương tác
Nhiều hoạt động đồng nghĩa với tăng mức độ tương tác, lớp học sẽ sôi động và đầy hứng khởi.
- Cải thiện tư duy phản biện
Khi học sinh trở thành tâm điểm, thì việc tiếp thu kiến thức thụ động không còn nữa.
- Khả năng ghi nhớ và tiếp thu kiến thức
Học sinh, sinh viên nhớ khoảng 10% những gì họ đọc, 20% những gì họ nghe, nhưng 90% những gì họ làm.
- Tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ giáo dục
- Khơi nguồn tư duy sáng tạo
Sáng tạo là một trong những kỹ năng khó dạy nhất khi sử dụng các phương pháp truyền thống. Học tập tích cực giúp học sinh hiểu rằng sự sáng tạo nó ắt phát triển bằng sự nỗ lực và làm việc chăm chỉ.
- Rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế
Khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp trở thành kỹ năng quan trọng nhất cần thiết cho các công việc trong tương lai. Học sinh trong các lớp học tích cực hiểu rằng không ai có tất cả các câu trả lời, vì vậy họ phải tìm ra câu trả lời.
3. Các phương pháp dạy học tích cực khác nhau
3.1 Phương pháp dạy học nhóm
Đây là một trong số phương pháp dạy học tích cực được đánh giá cao hiện nay, bởi nếu giáo viên có thể tổ chức tốt sẽ góp phần thúc đẩy giúp các em học sinh phát huy tính tích cực của bản thân. Đồng thời phát triển khả năng làm việc nhóm, trách nhiệm và khả năng giao tiếp của các em.
Quy trình thực hiện:
- Cả lớp làm việc.
- Giới thiệu về chủ đề.
- Xác định nhiệm vụ chung cho các nhóm.
- Tạo nhóm.
- Làm việc nhóm.
- Chọn chỗ cùng làm việc.
- Lập kế hoạch về việc cần làm.
- Đề ra các quy tắc làm việc chung.
- Giải quyết nhiệm vụ được giao.
- Chuẩn bị để báo cáo kết quả.
- Cả lớp làm việc.
- Các nhóm lần lượt trình bày kết quả.
- Đánh giá kết quả.
Kỹ thuật chia nhóm:
- Dựa vào số thứ tự điểm danh, dựa vào màu sắc, các mùa hoặc các loài hoa. Điều kiện chung nhóm là chung một số, một màu, một mùa hoặc một loài hoa.
- Dựa theo hình ghép: Giáo viên cắt một bức hình thành nhiều mảnh, để cho học sinh bốc ngẫu nhiên (Số bức hình tương ứng với số nhóm cần chia). Điều kiện chung nhóm là các em học sinh có mảnh ghép để cùng tạo thành 1 hình.
- Dựa theo sở thích: Những em học sinh có cùng sở thích sẽ tự động tạo thành 1 nhóm.
- Dựa theo tháng sinh: Điều kiện chung nhóm là có cùng tháng sinh với nhau.
Phương pháp học nhóm giúp phát huy khả năng giao tiếp và tính chịu trách nhiệm của học sinh
3.2 Dạy học theo dự án (Phương pháp dự án)
Là phương pháp dạy học mà học sinh cần phải thực hiện một nhiệm vụ học tập gắn liền với thực tiễn và có sự kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Nhiệm vụ học tập này đòi hỏi người học có tính tự lực cao, khi phải đảm nhiệm mọi công đoạn gồm lập kế hoạch, thực hiện dự án và đánh giá kết quả của dự án. Phương pháp này được dạy theo hình thức chia nhóm.
Quy trình thực hiện:
- Bước 1: Lập kế hoạch
- Xác định chủ đề.
- Xây dựng tiểu chủ đề.
- Lập kế hoạch về nhiệm vụ học tập.
- Bước 2: Thực hiện dự án
- Tìm kiếm thông tin.
- Tiến hành điều tra.
- Thảo luận với các thành viên ở trong nhóm.
- Nhờ giáo viên hướng dẫn.
- Bước 3: Tổng hợp kết quả.
- Tổng hợp về các kết quả tìm được.
- Xây dựng về sản phẩm.
- Trình bày kết quả tìm được.
- Phản ánh lại kết quả của quá trình học tập.
3.3 Phương pháp giải quyết vấn đề
Nằm trong số các phương pháp dạy học mới nhằm kích thích tính tự lực và chủ động giải quyết vấn đề của học sinh. Với phương pháp này, giáo viên sẽ đưa ra các vấn đề nhận thức mà ở đó có sự mâu thuẫn giữa những cái đã biết và chưa biết, và hướng học sinh tìm cách giải quyết.
Quy trình thực hiện:
- Xác định vấn đề, tình huống cần giải quyết.
- Tìm kiếm các thông tin có liên quan đến vấn đề, tình huống.
- Liệt kê các biện pháp để giải quyết vấn đề.
- Phân tích và đánh giá về kết quả của các biện pháp.
- So sánh kết quả các biện pháp.
- Chọn biện pháp tối ưu nhất.
- Thực hiện theo biện pháp đã chọn.
- Rút kinh nghiệm khi giải quyết vấn đề, tình huống khác.
Phương pháp giải quyết vấn đề nhằm kích thích tính tự lực của học sinh khi giải quyết vấn đề
3.4 Phương pháp đóng vai
Nếu nhắc đến một số phương pháp dạy học tích cực thiên về thực hành, thì phương pháp đóng vai luôn được nhiều giáo viên áp dụng. Khi sử dụng phương pháp đóng vai, giáo viên sẽ để học sinh thực hành, diễn thử một số cách ứng xử liên quan đến một tình huống nào đó. Tuy nhiên việc diễn thử chỉ là một phần, điều quan trọng nhất vẫn là thảo luận của học sinh sau khi thực hành thử.
Quy trình thực hiện:
- Giáo viên đưa ra chủ đề, phân nhóm, đưa tình huống và yêu cầu phân vai cho từng nhóm. Bao gồm thời gian chuẩn bị, thời gian diễn của mỗi nhóm.
- Các nhóm cùng nhau thảo luận.
- Lần lượt từng nhóm diễn đóng vai.
- Cả lớp thảo luận, đánh giá về cách diễn, cách ứng xử, ý nghĩa của các cách ứng xử.
- Giáo viên đưa ra kết luận, định hướng cho học sinh đâu là cách ứng xử tích cực với tình huống đã đưa ra.
3.5 Phương pháp trò chơi
Là phương pháp dạy học mà giáo viên sẽ tổ chức cho các em học sinh tìm hiểu về một vấn đề nào đó thông qua chơi trò chơi. Và phương pháp này thuộc danh sách các phương pháp dạy học mới giúp tăng sự kích thích, hứng thú tìm hiểu vấn đề của học sinh.
Quy trình thực hiện:
- Giáo viên phổ biến về trò chơi bao gồm tên, nội dung và quy tắc chơi.
- Tiến hành chơi thử (nếu thấy cần thiết).
- Cho học sinh bắt đầu chơi trò chơi.
- Đánh giá khi trò chơi kết thúc.
- Cùng thảo luận về ý nghĩa của trò chơi.
Tìm hiểu về vấn đề nào đó thông qua việc chơi trò chơi
3.6 Phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình
Cũng là một trong các phương pháp dạy học được áp dụng phổ biến hiện nay. Với phương pháp này, giáo viên sẽ kể một câu chuyện có thật hoặc câu chuyện được viết dựa theo các tình huống xảy ra thực trong cuộc sống nhằm chứng minh cho một vấn đề nào đó. Phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình có thể được thực hiện bằng văn bản, đoạn ghi âm hoặc video.
Quy trình thực hiện:
- Học sinh sẽ cùng đọc hoặc nghe, xem về một trường hợp điển hình nào đó.
- Suy ngẫm về trường hợp điển hình.
- Tiến hành thảo luận dựa theo sự hướng dẫn của giáo viên.
3.7 Phương pháp Bàn tay nặn bột
Hiện nay có 1 số phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm, nghiên cứu, được áp dụng phổ biến cho môn học tự nhiên. Phương pháp bàn tay nặn bột là một trong số đó.
Với phương pháp dạy học này, kiến thức của học sinh sẽ được hình thành thông qua các thí nghiệm. Các em sẽ tự mình tìm tòi nghiên cứu để tìm ra câu trả lời cho những vấn đề được đặt ra ở trong cuộc sống bằng cách tiến hành các thí nghiệm, đọc, điều tra, nghiên cứu các tài liệu.
Phương pháp bàn tay nặn bột thích hợp áp dụng với môn học tự nhiên
Với những vấn đề khoa học được đưa ra, học sinh bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi, giả thiết dựa theo hiểu biết ban đầu, sau đó tiến hành thực hiện thí nghiệm nghiên cứu, cùng nhau thảo luận để đưa ra kết quả. Đây được đánh giá là phương pháp dạy học tích cực giúp khơi gợi được sự tò mò và khám phá cho các em học sinh.
Quy trình 1 tiết dạy của phương pháp bàn tay nặn bột:
- Bước 1: Nêu ra các tình huống có vấn đề và xác định được vấn đề cần phải giải quyết.
- Bước 2: Xây dựng các hoạt động nhằm giải quyết vấn đề.
- Bước 3: Củng cố và đề xuất các định hướng mở rộng.
Quy trình của một thực nghiệm gồm:
- Bước 1: Nêu ra tình huống có vấn đề cần giải quyết.
- Bước 2: Học sinh đưa ra các câu hỏi, giả thuyết, dự đoán về kết quả theo nhóm hoặc theo từng cá nhân.
- Bước 3: Làm thực nghiệm.
- Bước 4: So sánh kết quả đạt được với dự đoán ban đầu.
- Bước 5: Đưa ra kết luận.
3.8 Phương pháp dạy theo góc
Là một phương pháp dạy học mới mà ở đó học sinh cần phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, ở các vị trí cụ thể trong phạm vi lớp học, đáp ứng được nhiều phong cách học tập khác nhau.
Phương pháp dạy học theo góc sẽ giúp học sinh lựa chọn hoạt động cũng như phong cách học: Thực hành, khám phá, cơ hội để phát triển khả năng sáng tạo, cơ hội đọc, hiểu các nhiệm vụ do giáo viên đề xuất, cơ hội để mỗi cá nhân áp dụng, trải nghiệm.
Ví dụ khi có các chủ đề về môi trường hoặc giao thông, giáo viên có thể tổ chức các góc bao gồm: Viết, vẽ, đọc, xem video, thảo luận…
4. Cách tiến hành phương pháp dạy học tích cực
Những nguyên tắc, hay còn được gọi là đặc trưng cơ bản của phương pháp học tích cực chính là: Dạy học thông qua hoạt động của học sinh là chủ yếu
Tức là trong tiết học, học sinh chính là đối tượng chính để khai phá kiến thức. Chính vì thế, giáo viên phải làm sao đó, với những cách thức gợi mở vấn đề ở một mức độ nhất định sẽ tác động đến tư duy của học sinh, khuyến khích học sinh tìm tòi và cùng bàn luận về vấn đề đó.
Chú trọng đến phương pháp tự học
Nếu bạn chủ động áp dụng phương pháp dạy và học tích cực, bạn phải loại bỏ hoàn toàn suy nghĩ cầm tay chỉ việc, đọc – chép… như những cách thức giảng dạy thông thường khác.
Với phương pháp dạy học tích cực, giáo viên sẽ chú trọng cho học sinh cách thức rèn luyện và tự học, tự tìm ra phương pháp học tốt nhất để có thể tự nắm bắt kiến thức mới. Tất nhiên, kiến thức mới sẽ được giáo viên kiểm định và đảm bảo chắc chắn đấy là kiến thức chuẩn.
Ưu tiên phương pháp học nhóm, tập thể
Với phương pháp học tích cực, giảng viên phải biết cách chia đội, nhóm và giúp các học sinh phối hợp cùng với nhau để tìm ra phương pháp học tốt nhất.
Chốt lại kiến thức học
Cuối mỗi buổi học, giảng viên sẽ cùng học sinh tổng hợp lại những kiến thức tìm hiểu được, đồng thời giải đáp những vấn đề học còn thắc mắc, cùng trao đổi và chốt lại kiến thức cho cả buổi học.