Ngày nay, giáo dục được xem là chìa khóa vàng để mỗi người, mỗi quốc gia tiến bước vào tương lai. Giáo dục có chức năng vô cùng quan trọng là trang bị cho mỗi người phương pháp học tập, phát triển tư duy nội tại, thích ứng được với một xã hội học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Để giúp người học đáp ứng được những yêu cầu đó, việc cải cách, đổi mới giáo dục là một việc làm hết sức cần thiết và cấp bách, trong đó, đổi mới phương pháp giáo dục là khâu then chốt nhất trong quá trình đạt đến mục tiêu đổi mới giáo dục.
Nắm bắt được xu thế trong đổi mới phương pháp giáo dục hiện nay, trường THPT Hoàng Long luôn linh hoạt sử dụng những phương pháp dạy học tích cực trong các tiết học để chất lượng giảng dạy được nâng cao, bên cạnh đó còn giúp học sinh phát triển toàn diện cả về năng lực - phẩm chất – nhân cách. Vào sáng ngày 19/1/2024, thầy Đoàn Văn Hợi và các em học sinh lớp 11C1 đã tổ chức và thực hiện thành công tiết Nghiên cứu bài học môn Ngữ văn truyện ngắn “Tầng hai” của nhà văn Phong Điệp. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu tiết học ấy đã ứng dụng những phương pháp dạy học tích cực nào nhé!
SÂN KHẤU HOÁ TÁC PHẨM VĂN HỌC
Tiết học mở đầu bằng một vở kịch ngắn tái hiện lại một phần bối cảnh, sự kiện có trong truyện ngắn “Tầng hai”, với sự tham gia diễn xuất đầy tự nhiên, thu hút và có phần đáng yêu của các em học sinh lớp 11C1. Không gian lớp học đã thể hiện sự đầu tư vô cùng công phu của thầy và trò khi bối cảnh một gia đình như được tái hiện lại vô cùng sinh động. Những vật dụng thường ngày đã được chuẩn bị như bát, đũa, chăn, chiếu, gối, lọ hoa, chiếc làn, mắc quần áo, …. khiến cho vở kịch thêm phần chỉn chu. Đặc biệt không thể nhắc tới những “diễn viên chuyên nghiệp” là các em học sinh lớp 11C1 trong vai các nhân vật của truyện ngắn, các bạn đã lựa chọn những bộ đồ, cách tạo hình sao cho giống nhất với nhân vật nguyên mẫu. Lời thoại rất tự nhiên đi cùng nét diễn xuất thu hút đã góp phần làm nên vở kịch thành công. Vở kịch kết thúc trong tràng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả phía dưới!
LÀM VIỆC NHÓM CHUYÊN GIA MẢNH GHÉP
Trong hoạt động tiếp theo là tìm hiểu từng nhân vật có trong truyện ngắn, thầy Hợi đã sử dụng phương pháp làm việc nhóm chuyên gia mảnh ghép. Thầy chia lớp làm 4 nhóm chuyên gia với 4 nhiệm vụ về nhà, mỗi nhóm tìm hiểu một nhân vật. Sau đó đến lớp các nhóm chuyên gia sẽ được tách ra để về với nhóm mới. Từng bạn ở 4 nhóm chuyên gia sẽ nhận được 1 tờ giấy màu, sau đó những ai có cùng màu giấy sẽ về với nhau tạo thành nhóm mơi. Từ đó các nhóm mới sẽ chia sẻ với nhau nội dung mà mình đã tìm hiểu. Như vâỵ trong nhóm mới sẽ tạo nên một nội dung tổng hợp từ các thành viên, bởi mỗi thành viên sẽ đóng góp 1 ý kiến khác nhau.
Sau đó lần lượt 4 nhóm đã lên trình bày kết quả của nhóm mình. Sản phẩm của các bạn vô cùng đa dạng và phong phú về hình thức, trên nền tờ giấy A0 là những hình vẽ đẹp mắt. 4 bạn đại diện cho 4 nhóm lên thuyết trình rất tự tin và cuốn hút. Không những vậy, cả lớp phía dưới chăm chú lắng nghe và tương tác với nhóm thuyết trình. Không khí của hoạt động làm việc nhóm đã diễn ra rất sôi nổi và hiệu quả.
SỬ DỤNG BẢNG TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ VÀ ĐÁNH GIÁ ĐỒNG ĐẲNG GIỮA CÁC NHÓM TRÊN NỀN TẢNG MENTI
Trong khi trình bày sản phẩm nhóm, các bạn học sinh còn thực hiện song song một thao tác nữa đó là đánh giá nhóm thuyết trình thông qua bảng tiêu chí đánh giá đã được thầy Hợi chuẩn bị. Trong bảng đánh giá sẽ có những tiêu chí cụ thể và thang đo mức điểm cho từng phần như nội dung, hình thức, cách thuyết trình, … Với cách đánh giá này sẽ giúp các bạn học sinh theo dõi hoạt động được sát sao hơn, nắm rõ nội dung bài cũng như nhận xét, góp ý cho nhóm bạn và cho chính bản thân mình.
Kết thúc tiết học là phần đánh giá đồng đẳng giữa các nhóm trên nền tảng Menti, mỗi nhóm sẽ có 1 bạn đại diện quét mã QR trên màn chiếu, cả nhóm thực hiện hội ý và chấm điểm các nhóm còn lại theo các mục tiêu chí đã được xây dựng.
Cuối cùng, thầy Hợi không quên rút ra một triết lí nhân sinh về câu hỏi “Thế nào là hạnh phúc” và lần lượt mời các bạn học sinh chia sẻ quan điểm của mình. Như vậy không chỉ cung cấp cho học sinh về tri thức ngữ văn của thể loại truyện ngắn, mà qua hoạt động đối thoại trực tiếp này sẽ góp phần giúp các bạn học sinh hình thành phẩm chất tốt đẹp.
Tiết nghiên cứu bài học của thầy Đoàn Văn Hợi và tập thể lớp 11C1 đã diễn ra thành công tốt đẹp trong sự tích cực và hào hứng tham gia của cả lớp. Mong rằng các thầy cô trường THPT Hoàng Long sẽ luôn không ngừng sáng tạo và ứng dụng những phương pháp dạy học hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường!
Trường THPT Hoàng Long