Trường THPT Hoàng Long vinh danh những học sinh đạt thành tích xuất sắc với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Phạm Trần Trúc Khanh (12A6, Hệ Chất lượng cao Nhật - Anh)
Chứng chỉ IELTS 8.0 - Chứng chỉ tiếng Nhật N3
Trúc Khanh từ khi vào lớp 10 đã có niềm yêu thích ngoại ngữ và chọn học cả hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Nhật. Thời gian đầu, em tập trung vào tiếng Nhật bởi đây là ngoại ngữ mới. Khanh dốc sức để học tập và ôn luyện và sớm đạt chứng chỉ N3. Tuy nhiên, việc chú tâm vào học tiếng Nhật đã khiến cô bé không thể ôn luyện tiếng Anh một cách bài bản.
Đến hè năm lớp 11, trường tổ chức khóa ôn thi, Khanh mới bắt đầu chú trọng vào luyện thi IELTS. Em bắt đầu tổng hợp lại kiến thức, ôn đề tổng hợp để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng.
“Lúc mới đầu em nghĩ chỉ đạt chứng chỉ IELTS 6.0 hoặc 7.0. Nhưng may mắn đợt hè vừa rồi em luyện nhiều về kỹ năng nghe, đọc nên điểm tăng cao. Hai kỹ năng viết và nói liên quan đến kiến thức và kinh nghiệm sống nên em hơi thiếu tự tin vì sợ mình chưa đủ trải nghiệm”, cô gái 17 tuổi chia sẻ.
Khanh cho rằng bí quyết thành công của em chính là học tập chuyên cần, tập trung ghi bài vở trên lớp, về nhà làm bài tập đầy đủ.
“Nếu trên lớp để ý thầy cô giảng bài thì sẽ rút ra được rất nhiều cái hay”, Khanh nói và cho biết ấn tượng nhất với thầy Trần Mạnh Dũng dạy môn tiếng Nhật. “Thầy có những bài giảng được đầu tư rất công phu, có nhiều thứ hữu ích và luôn cố gắng cải thiện các bài giảng trở nên thú vị hơn. Con và các bạn rất thích học thầy”.
Phạm Trần Trúc Khanh quan tâm đến các ngành học và công việc liên quan đến ngoại ngữ, như giảng dạy, ngoại giao hoặc dịch thuật. Ngoài học trên lớp, Khanh thích nghe nhạc bằng tiếng Nhật, đọc tiểu thuyết lãng mạn và kinh dị và xem phim bằng cả hai ngoại ngữ.
Chu Mạnh Đức (12A4, Hệ Song Ngữ Anh - Trung)
Chứng chỉ IELTS 7.5
Chu Mạnh Đức theo học tiếng Anh từ nhỏ và luôn tự tin với các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Đức cho rằng, việc học ngoại ngữ nên xuất phát từ sự yêu thích ngoại ngữ đó thì mới nhanh vào đầu. Nếu coi ngoại ngữ là một môn học hoặc thấy không thoải mái sẽ dễ nản.
Trước các kỳ thi quan trọng, cậu luôn giữ được bình tĩnh bởi “nếu càng lo lắng thì càng dễ bị tâm lý hơn”. Đức tin rằng, ngủ đủ giấc là chìa khóa để thành công trong việc học. Cậu không thường xuyên thức đêm để học bài mà học khi đầu óc tỉnh táo nhất, thường là sau khi ngủ dậy.
Cầm trong tay chứng chỉ IELTS 7.5, Đức dự định sẽ đăng ký học ngành Công nghệ Thông tin tại Đại học FPT.
Ngô Anh Thư (12A4, Hệ Song ngữ Anh - Trung)
Chứng chỉ tiếng Trung HSK 3
Giống như Đức, Anh Thư chọn tiếng Trung bởi sự yêu thích và đam mê, vì “xem phim Trung Quốc mà không cần đọc phụ đề”. Tuy nhiên cô không được học từ nhỏ mà đến khi vào trường THPT Hoàng Long mới học từ đầu.
Trước kỳ thi 2 tuần, Anh Thư mới tập trung ôn luyện. Trước đó, cô tích lũy các kiến thức do cô giáo Vũ Ngọc Anh giảng dạy. Anh Thư cho rằng cách học của mình hơi khác lạ so với các bạn. Bởi “em chỉ ngồi viết chữ để “”chill chill” thư giãn, rồi tự nhiên nó vào đầu”. Ngoài ra, Anh Thư còn xem phim, nghe nhạc bằng tiếng Trung để vừa học, vừa giải trí, không bị áp lực.
Sự cố gắng của Thư đã được đền đáp khi đạt chứng chỉ tiếng Trung HSK 3. “Em chỉ sai đúng 1 câu bài nghe, các bài còn lại em làm đúng hết”, Thư nói và gửi lời cảm ơn đến cô Vũ Ngọc Anh vì đã đốc thúc và bảo ban em học. “Cách dạy của cô dễ hiểu và cho bọn em thoải mái tâm lý”.
Anh Thư dự tính sẽ thi vào trường Đại học Luật Hà Nội, với 100% sự tự tin.
Nguyễn Thị Yến Nhi (12A4, Hệ Song ngữ Anh - Trung)
Chứng chỉ tiếng Trung HSK 4, điểm GPA 9.0
Nguyễn Thị Yến Nhi từ khi mới vào lớp 10 đã đặt mục tiêu đi du học Trung Quốc và đã nỗ lực để đạt được mục tiêu đó.
Nhi dành nhiều thời gian hơn học tiếng Trung. Dù nói và viết chữ cứng rất khó nhưng Yến Nhi có cách để luyện tập. “Em coi việc viết chữ Trung Quốc là hoạt động khiến mình thoải mái. Em cứ viết như vậy đến khi quen tay”, Nhi chia sẻ và cho biết đến nay cô đã tự tin giao tiếp với người Trung Quốc bản xứ.
Khi tự tin với trình độ của mình, Nhi đăng ký thi chứng chỉ HSK. Dù chỉ thực sự nghiêm túc luyện thi trong vòng 10 ngày nhưng Nhi đã đạt được chứng chỉ HSK 4 - đây là cấp độ HSK sơ trung cấp được rất nhiều trường yêu cầu khi ứng viên nộp hồ sơ du học bậc Đại học.
Nhi sau đó nhận học bổng toàn phần trị giá gần 500 triệu của ngành Kinh tế, trường Đại học Tôn Trung Sơn (trường top đầu của Trung Quốc).
“Hiện em đã chuẩn bị xong hồ sơ để đi du học. Đến giờ em vẫn không tin là mình sắp bay rồi. Em thấy rất phấn khích và hào hứng. Trong thời gian này, em nhờ các thầy cô dạy thêm tiếng Trung để giao tiếp tốt hơn”, Nhi chia sẻ.
Bùi Diễm Ngọc (12A4, Hệ Song ngữ Anh - Trung)
Đạt chứng chỉ HSK 4, điểm GPA 8.6
Không kém phần xuất sắc, Bùi Diễm Ngọc cũng vừa nhận học bổng toàn phần, trị giá gần 500 triệu của trường Đại học Sư phạm Hàng Châu, Chiết Giang. Dự kiến tháng 8 Ngọc sẽ bay sang Chiết Giang để nhập học chuyên ngành Giáo dục Hán ngữ quốc tế.
Nhớ lại hồi đầu năm lớp 10, Ngọc vẫn mông lung vì chưa có dự định gì cho tương lai. “Đến cuối năm đó, cô giáo chủ nhiệm Vũ Ngọc Anh biết em thích Trung Quốc nên định hướng cho em đi du học theo hướng xin học bổng”, Ngọc kể.
Ngọc đam mê nam idol Trung Quốc. Cô cũng lấy đó làm động lực để học tiếng Trung. Ngoài những tiết học tiếng Trung ở trường, Ngọc thường xuyên nghe nhạc, xem livestream, lướt weibo, xem phim của idol để học ngoại ngữ.
Nói về thành công của mình, Ngọc cho rằng cô đã biết biến sở thích của mình trở thành động lực để học tập.
Trần Bích Hà (12A2, Hệ Cơ bản)
IELTS 7.5
Trần Bích Hà là một học sinh có tinh thần học tập đầy nỗ lực và chăm chỉ. Hà vừa đạt chứng chỉ IELTS 7.5 sau quá trình ôn luyện tại trường và tập trung “cày” trong vòng 6 tháng. Cô có khả năng nghe và đọc tiếng Anh rất tốt, thường xuyên luyện tập với các tài liệu về lịch sử, vũ trụ, phim tài liệu, tin tức và tiểu thuyết bằng tiếng Anh để mở rộng vốn từ vựng chuyên ngành, phát âm chính xác hơn.
Một trong những người mà Hà cảm phục là thầy Đặng Đức Quang, GV tiếng Anh chuyên luyện thi IELTS của trường Hoàng Long. Theo Hà, thầy Quang vừa thông minh và tận tâm, thầy thường sử dụng các ví dụ thực tế để giúp học sinh hiểu và ghi nhớ kiến thức một cách dễ dàng hơn.
Với mong muốn được giao tiếp nhiều với người nước ngoài, Trần Bích Hà đã quyết định lựa chọn ngành Kinh tế quốc tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân.“Sau này, em muốn trở thành một nhà ngoại giao hoặc phiên dịch viên hay quản lý khách sạn tầm cỡ quốc tế”, Hà tâm sự.
Lúc rảnh, Bích Hà thường tìm kiếm các cơ hội để giao tiếp với người nước ngoài như kết bạn với những bạn từ Philippines, Mỹ qua Facebook. Cô cũng thích đọc sách, đặc biệt là các sách về lịch sử nghệ thuật châu u và thường dành thời gian cuối tuần để đi bộ ở hồ Hoàn Kiếm để nói chuyện với người nước ngoài.
Trường THPT Hoàng Long